Hội thảo phản biện Dự án điều chỉnh quy hoạch chung TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa được UBND thành phố tổ chức vào ngày 8/11.
Đây là hội thảo cuối cùng để chốt phương án cho quy hoạch chung TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Theo ý tưởng mà đơn vị tư vấn Surbana Jurong (Singapore) đưa ra, trong tương lai, để đáp ứng quy mô dân số và thực trạng quỹ đất còn ít, Đà Nẵng nên dịch chuyển đô thị về huyện Hoà Vang.
Đơn vị này dự báo, đến năm 2030, Đà Nẵng có 1,45 triệu người và đến năm 2045, con số này tăng lên 1,97 triệu người. Khi mật độ dân số quá cao và tập trung vào khu vực dọc bờ biển như hiện nay, người dân sẽ không thể có môi trường sống tốt nhất. Thành phố cần làm đô thị nén cho khu trung tâm do quỹ đất để phát triển đô thị chỉ còn 17%. Nhưng khi đó, nhà cao tầng phải được kiểm soát và cần tích hợp hệ thống giao thông công cộng.
Sau năm 2030, đô thị mới nên được phát triển về phía Tây thuộc địa bàn huyện Hòa Vang với chung cư, nhà cao tầng để phục vụ những người mới nhập cư.
Trong tương lai, Đà Nẵng sẽ có 1 trung tâm đô thị chính như hiện tại và 3 khu đô thị vệ tinh. Thành phố sẽ có hai vành đai kinh tế gồm phía Bắc (công nghệ thông tin và công nghiệp) và phía Nam (nông nghiệp công nghệ cao).
Đánh giá về khu đô thị mới ở phía Tây, chuyên giao cao cấp Matsumura Shigehisa (hãng tư vấn Nikken) cho rằng, do huyện Hòa Vang có nhiều diện tích là rừng, đất nông nghiệp, thường xuyên lũ lụt, ngập úng nên vùng đô thị mới có thể sẽ khá nhạy cảm về vấn đề sinh thái, môi trường.
Về kinh tế, chuyên gia Maysho Prashad, Callison RTKM (Mỹ) đánh giá, thành phố không nên bỏ qua các ngành kinh tế nhỏ lẻ bởi đây là một thành phần quan trọng bên cạnh các ngành công nghệ cao. Việc quy hoạch không được bỏ sót nhóm người làm công việc nhỏ, những người thợ thủ công… Đà Nẵng cũng nên xem xét các cụm du lịch bờ sông, nơi tập trung những khu du lịch mang tính truyền thống.
Cũng theo vị chuyên gia, địa hình Đà Nẵng khá đa dạng, từ sông, biển, núi, đồng bằng nhưng tiềm năng trên mặt nước chưa được phát triển, chẳng hạn như nhà hàng, khách sạn trên mặt nước… Đây có thể là một điểm nhấn du lịch nhưng việc phát triển phải có đánh giá tác động môi trường.
“Để có cái nhìn xa hơn trong vòng 10-15 năm, Đà Nẵng cần quy hoạch một quận không xe hơi, nó sẽ như là một phòng năng lượng sống, sẽ là khu vực cực kỳ thân thiện với môi trường. Đây là thời điểm Đà Nẵng cần đưa ra những quyết định mang tính đột phá cho một thành phố đặc sắc trong tương lai”, chuyên gia Maysho Prashad nhấn mạnh.
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, Chủ tịch NgoViet Architects & Planners lại đánh giá, Đà Nẵng vẫn chưa xác định trung tâm mới nằm ở đâu. Đề xuất phát triển đô thị cao tầng ở phía Tây không đi kèm với đánh giá tác động môi trường là chưa thuyết phục.
Chủ trì hội nghị, Phó chủ tịch thường trực UBND TP. Đà Nẵng Đặng Việt Dũng đề nghị đơn vị tư vấn Singapore tiếp thu các ý kiến, sàng lọc và đưa các phương án khả thi vào quy hoạch.